Chú Giải Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXX Mùa Thường Niên (Lc 14,7-11) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 14,7-11

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Pl 1,18-26

Thưa anh em, Đức Kitô đã được rao giảng: tôi vui mừng và sẽ còn vui mừng hơn nữa. Không có gì làm tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin, bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết.

Phaolô đã viết những lời ấy trong lúc ở tù. Ông bị các người tân tòng Do-thái ghét và theo đuổi ông. Ông đã bị bắt và bị điệu về Rôma. Ông bị tù, bị canh chừng. Nhưng thay vì làm trở ngại cho việc loan truyền Tin Mừng, trường hợp này lại xoay sang có lợi cho Tin Mừng. Thực sự ít năm sau tại Rôma, người ta thấy có nhiều Kitô hữu nơi pháp đình và trong cung điện Hoàng Đế.

Trong cuộc đời ta cũng thế, đôi khi có những trường hợp nghịch với điều ta mong muốn. Dù sao Thiên Chúa cũng có thể biến chúng giúp ích được. Tôi dùng thời giờ để nhìn lại, trong cuộc sống HÔM NAY, đều mà tôi cho là trở ngại, trái ý, trong đời tôi, trong thế giới và trong Hội Thánh.

Lạy Chúa xin xoay sở các điều ấy trở nên điều có lợi!

Vì chưng, đối với tôi, sống là Đức Kitô.

Tôi để kiểu nói vắn gọn này dội lên trong tôi. Phaolô là một người si mê Đức Kitô.

Tất cả những gì người ta có thể đặt ra về sự “sống”… tất cả những cái đó, đối với Phaolô là Đức Kitô… Thế là ông có thể chết bất cứ lúc nào! Phaolô sống trong niềm hoan lạc: nỗi vui mừng của ông là sống kết hợp sâu đậm và thường xuyên với Đức Giêsu. Một hoàn cảnh thuận tiện nào hay những lý do phàm trần nào cũng không thể mang lại niềm hoan lạc cho ông như thế.

Phần tôi thì sao? niềm vui của tôi từ đâu đến? Nguồn hoan lạc của tôi là gì? Và, nhất là tôi có vui không?

Và chết là một mối lợi… Ước ao của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần.

Như thế, Phaolô nhìn cái chết như là: một thời điểm của hạnh phúc và hoan lạc, là cuộc gặp gỡ dứt khoát với Đức Giêsu Kitô, diện đối diện với Đấng mà ông đã hiến trọn cuộc đời mình… là nhập cuộc vào niềm vui mừng của Đức Kitô. Sự chết đối với Phaolô, không cắt đứt được sự hiệp thông mà ông có với Đức Giêsu, ở dưới thế : cuộc đồng hành thần linh vẫn tiếp tục và thăng tiến thêm. Theo mức độ của niềm tin như thế, thì sống hay chết cũng không có gì đáng kể…

Phaolô hoàn toàn tự do và tự do triệt để: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con những xác tín thân tình như thế.

Nhưng nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi bị giằng co giữa hai đàng… Vì anh em mà ở lại đời này thì cần thiết hơn.

Đúng thế, ra đi để được ở với Đức Kitô thì lợi hơn cho ông bội phần.

Nhưng, tính tới tính lui, vì những giáo hữu thân yếu, ông chọn con đường ở lại để làm việc phục vụ anh em ông.

Phục vụ anh em! NGÀY NAY, tôi sẽ làm việc ấy cách nào?

Làm một công việc hữu ích! đó là lý do để Phaolô từ khước cuộc gặp gỡ thân tình với Đức Giêsu mà sự chết sẽ trực tiếp tạo nên cho ông.

HÔM NAY, tôi suy nghĩ lại cách hành động của tôi. Nào tôi có lấy đó làm quan trọng trước nhan Chúa không?

Tôi sẽ ở lâu dài với anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh.

Tấn tới.

Có được niềm vui của đức tin.

Lạy Chúa, xin ban động lực này cho tất cả các Kitô hữu. Xin ban cho Giáo hội Ngài động lực tiến bộ và hoan lạc ấy.

Bài đọc II: Rm 11,1-2. 25-29

Anh em thân mến, chớ gì Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Người rồi sao? hẳn là không. Vì chính tôi cũng là người Israel.

Ở đây Phaolô ghi nhận là không phải Thiên Chúa có ý gây ra sự đổ vỡ này. Người không ngừng trung tín với hiền thê bất trung của Người. Thiên Chúa yêu thương những kẻ không mến Người. Thiên Chúa không loại bỏ ai.

Và Phaolô khi lặp lại chủ đề các Sứ ngôn, theo đó chỉ một “nhóm nhỏ còn lại” sẽ tồn tại, v ghi nhận là có một số nhỏ người Do-thái, như ngài chẳng hạn, là những chứng nhân tình yêu này.

Giữ những liên hệ. Không tách mình ra, nếu nơi nương ẩn với những người được cứu khỏi nguy nan. Trái lại, coi mình như có trách nhiệm về mọi người có liên hệ với mình : tôi không được cứu chữa “cho tôi”, nhưng “cho mọi người” Phaolô tin tưởng, đây là một cái gì đó của Israel..tin tưởng ! Phaolô được cứu đây là một cái gì đó của dân Israel…được cứu!

Israel đã lầm tưởng. Nhưng vì lỗi lầm của họ mà dân ngoại đã được ơn cứu-độ. Lỗi lầm của họ làm cho thế giới nên giàu có.

Phải hiểu rõ luận chứng lạ lùng này.

Phaolô ám chỉ tới “sự kiện lịch sử” đã được biết rõ : chính sự từ khước của người Do-thái đã giúp và không còn khép mình trong thế giới Do-thái nữa, mà đến với lương dân. Bị trục xuất khỏi hội-đường và cộng đoàn Do-thái, ngài thấy mình như bị ép buộc để nói với lương dân ( Cv 23, 44-52 ; 17, 1-9 ; 11, 19-26).

Tôi không muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm này : là một phần dân Israel cứng lòng mãi cho đến khi toàn thể dân ngoại được nhập giáo.

Phaolô viễn quan lịch sử táo bạo!

Như thế, việc từ chối đức tin, nơi người Do-thái, thay vì ngăn cản tình thương cứu chuộc lạ lùng của Thiên Chúa đối với mọi người ( chủ đề thư gửi tín hữu Rôma) lại chỉ là một giải thích tạm thời, và rạng rỡ.

Qua mẫu gương này, tôi muốn chỉ hiểu rõ mầu nhiệm “bất tín”, NGÀY NAY có biết bao người “từ khước” Thiên Chúa, hãy sống “như không có Người”! Lạy Chúa, con muốn tin rằng họ được Chúa yêu và rằng Chúa cũng muốn cứu chuộc tất cả.

Dự kiến của Chúa, là “toàn thể dân ngoại được nhập giáo”, được cứu rỗi.

Và bấy giờ toàn Israel cũng được cứu-độ. Xét theo Tin Mừng thì họ thật là kẻ thù nghịch vì anh em, nhưng xét theo ơn kén chọn, thì họ là những rất được yêu thương vì các tổ phụ. Bởi vì Thiên Chúa ban ơn huệ và kêu gọi ai, Người không hề hối tiếc.

Một ngày kia, tất cả những người Do-thái cũng trở thành những kẻ tin. Chúa sắp đến. Nhưng Người trì hoãn chưa đến để ban cho mọi người “kỳ hạn” mà hối cải ! như thế, mọi sự đều phục vụ kế đồ của Thiên Chúa.

Sự bất tín của người Do-thái là bằng chứng bi thảm về sự thất bại của người muốn tự cứu lấy mình. Như thế “sự bất tín” này có một khía cạnh tích cực, nó cho thấy rõ ràng người ta có thể cứu được mình chỉ “do lòng thương xót”: Nhưng khi ấy, cả những người Do-thái cũng có thể hưởng nhờ được, à họ sẽ hưởng nhờ lòng thương xót ấy. Thiên Chúa ban ơn, Người “không hề hối tiếc”.

Dân sinh ra bởi sáng kiến tình thương của Thiên Chúa, Israel luôn được tình yêu này theo đuổi, ngay cả khi họ chối từ: họ tiếp tục sống nhờ trung thành với lời Chúa... HÔM NAY người Do-thái đọc cũng một Kinh Thánh như chúng ta.

Chớ gì người Kitô hữu biết chuẩn bị việc Chúa dứt khoát trở lại và sự hoàn thành Người thực hiện, bằng việc xây dựng một Hội Thánh “ chỉ tìm sức mạnh trong sáng kiến của Chúa và tình thương nhân hậu của Người”.

Phải “ các kẻ thù của Chúa”, là những kẻ được Chúa yêu ! tôi cầu nguyện cho kẻ luôn tưởng mình hay nói mình là kẻ thù của Thiên Chúa.

BÀI TIN MỪNG: Lc 14, 1.7-11

Trong bữa ăn tại nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu. Đức Giêsu nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi…

Người Do-thái (thí dụ theo “luật lệ của cộng đoàn Qumran”) thường sẽ quan tâm đến phẩm trật.

Khởi sự bữa tiệc, mỗi khách được mời tự chọn chỗ ngồi địa vị của mình, so với người khác cùng dự tiệc.

Điều đó đã được các Trường Phái Tiến Sĩ Luật quy định. Chẳng hạn người ta khuyên cần có chút khôn ngoan sơ đẳng : “bạn hãy ngồi lùi lại hai hay ba chỗ so với bạn đang ngồi”.

Thành thật mà nói, có phải chỉ trong quá vãng người ta mới quan tâm tới việc “giữ thứ bậc” cho mình không ?

Ngày nay, cũng có cả ngàn dấu hiệu phân cấp cho phép người ta tự đánh giá trị mình, từ cách ăn vận cho tới loại xe dùng.

Đức Giêsu nói với họ dụ ngôn này: Khi anh em được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất….

Đức Giêsu không đến dự tiệc, để đặt vấn đề phân biệt thứ hạng theo nghi lễ trần gian. Đó không chủ điểm Người nhắm tới…Người lặp lại điều Người vẫn thường nói: Hãy sống khiêm tốn!

Hãy trở nên kẻ phục vụ người khác! hãy giữ chỗ cuối rốt ! Những kẻ bé mọn là những người cao trọng nhất! nếu các người không trở nên “trẻ nhỏ”, các người sẽ không được vào Nước Thiên Chúa!

Không, không ai có thể bị yêu sách bước vào tham dự tiệc cưới đời đời như một con nợ dựa theo sự công chính của riêng mình.

Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối…

Trong bữa tiệc ly, ta biết điều đó, khi xảy ra cuộc tranh luận trong Nhóm Mười Hai về phẩm trật và ngôi thứ “Giữa họ đã xảy ra cuộc tranh luận ai được kể là lớn nhất trong Nhóm ? nhưng Đức Giêsu bảo họ: vua các dân thì làm chúa thiên hạ. Phần anh em, thì đừng làm như thế. Trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu thì phải hầu thiên hạ.. Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người hầu hạ” ( Lc 22, 24-27).

Khi tường thuật biến cố trên, Luca đã nghĩ đến “buổi họp mừng Thánh Thể” của thời Ngài ( và có thể ở thời chúng ta nữa ?) thường gặp phải những khó khăn giữa các tầng lớp xã hội.

Thánh Giacôbê (2,1-4) và Thánh Phaolô (1 Cr 11,20) cũng gặp những vấn đề tương tự trong cộng đoàn của các ngài. “Giả như có người đi vào đoàn hội của anh em, nhẫn vàng đeo đầy tay, áo mặc thật bảnh bao, và có người nghèo cũng đi vào, áo mặc lem luốc, nếu anh emc hỉ chú ý tới người giàu mà gây bất lợi cho kẻ nghèo, như thế không phải là anh em đã kỳ thị lẫn nhau sao?”.

Ngày nay, cũng có nhiều cách khác để coi mình là cao trọng, để loại trừ kẻ này người nọ, để phân biệt đối xử.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết thân tình đón tiếp nhau, người này đối với người khác.

Chớ gì mọi phần tử tham dự cuộc họp mừng Chúa nhật của chúng con, đều cảm thấy thoải mái. Chớ gì những buổi cử hành Thánh Thể không trở nên những thứ “câu lạc bộ” nhỏ bé khép kín, mà ở đấy ta cảm thấy đang sống “giữa những con người giống nhau”, vì ngay khi khởi sự, ta đã loại trừ “những kẻ không suy nghĩ như ta”.

Phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Đó là lời kết án mọi thứ tự mãn!

Thiên Chúa sẽ đóng cửa nước Người đối với với kẻ chỉ tin dựa vào sự công chính của riêng mình. Hãy sống như con trẻ. Hãy trở nên bé thơ. Hãy tự coi mình bất xứng. Đừng kết án kẻ khác là không xứng đáng.

Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế sẽ được Lúc kết thúc bằng công thức như trên ( Lc 18, 14): “ Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Lạy Chúa xin tới giúp con chống lại mọi hình thức kiêu ngạo trong con.

Xin làm cho con nhận biết những người túng của con, để con không coi mình cao trọng hơn kẻ khác.

Xin giúp con vui vẻ đón nhận “chỗ cuối rốt” như Chúa: “ Đức Giêsu đã nhận chỗ cuối rốt, đến nỗi không còn ai có thể tranh chiếm chỗ của Người”.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Hãy ở khiêm nhường.

HOÀN CẢNH:

Trong bữa ăn tại nhà ông thủ lãnh nhóm biệt phái, theo thông lệ, mỗi thực khách nói một bài hoặc để khen ngợi đề tài đã học hỏi hoặc để rút ra những thực hành cụ thể. bài nói chuyện của Đức Giêsu hôm nay cũng đi theo khuôn khổ đó. đề tài được Chúa chọn là sự lịch thiệp xả giao, nhưng được kết thúc bằng bài học về sự khiêm nhường, để chống lại thói xưa nay thích khoe khoang, tự cao của người Do Thái, đặc biệt là của các thầy biệt phái.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu khuyến cáo những người biệt phái phải ở khiêm nhường

TÌM HIỂU:

7 ”Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất...”:

Quan sát bữa tiệc, trong lúc mời thực khách ngồi vào bàn, Đức Giêsu nhận thấy người ta chỉ thích chọn chỗ cao để cầu vinh dự Đức Giêsu đã nói cách bóng bẩy bằng dụ ngôn để trình bày một sự thực mà không làm mất lòng người nghe.

8-10 ”khi anh được mời đi ăn cưới...”:

Đức Giêsu rất tế nhị, thay vì nói về bữa tiệc hôm đó, Chúa lại mô tả một bữa tiệc cưới mà các thực khách hay tranh nhau chỗ nhất để ngồi. Dụ ngôn trình bày về bài học có tính xã giao : vừa tế nhị và thực tế khi được mời dự tiệc (Cv 25,6-7)

11 ”Vì phàm ai tôn mình lên...”:

Câu kết thúc dụ ngôn này lại đưa ra một bài học về đức khiêm nhường, tương phản với những thói lo lắng về tôn ti trật tự của giới Do Thái giáo.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến sự khiêm nhường:

a) Khiêm nhường trước mặt Chúa : vì kẻ tự đưa mình lên sẽ bị Chúa hạ xuống và kẻ tự hạ mình xuống sẽ được Chúa đưa lên, tức là người khiêm tốn sẽ được Thiên Chúa tín nhiệm, sử dụng và cất nhắc lên cao “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (Lc 1,52)

b) Khiêm nhường đối với anh em: vì tất cả anh em đều là tội nhân và nghèo khó, chẳng ai được coi mình hơn ai, vì:

“Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay không” (Lc 1,53)

2. Các giá trị kitô giáo xem ra trái ngược với các giá trị trần gian. vì tính kiêu ngạo và thích khoe khoang, nên người đời hay đề cao tài năng và địa vị, nhiều khi không đúng với sự thật. Còn Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can. Người theo sự công bằng mà thưởng những công lao đích thực, cũng như theo sự hiểu biết mà đặt những khả năng đúng chỗ. vì thế cần phải nhận sự thực về mình để khiêm nhường đối với Chúa và với tha nhân.

3. Đưa ra bài học này, luca muốn giúp giải quyết những nỗi khó khăn mà thời đó, các buổi họp của cộng đoàn phụng vụ hay gặp phải: vì người ta hay tranh người nhau vì danh dự và địa vị trong các buổi họp của cộng đoàn.

Ngày nay trong các buổi họp phụng vụ: như thánh lễ. Hội Thánh không muốn phân biệt đẳng cấp xã hội: giàu nghèo sang hèn là vì vậy.

4. Theo tinh thần của bài tin mừng hôm nay Chúa muốn chúng ta đừng tìm kiếm đặc ân hay những vinh hoa phù phiếm trần thế, nhưng hãy ý thức về cách xã giao, về lời xử thế, vì phép lịch sự trong cuộc sống thường ngày cho phù hợp với hoàn cảnh và môi trường sống.

5. Bản năng con người thôi thúc họ tìm cách chiếm chỗ đứng, có lợi nhất cho mình trong xã hội mình sống. tuy không nói ra nhưng họ thích được người khác kính nể, khen lao và gây ảnh hưởng trên người khác. bản năng này thường gây tai hại cho sự hòa hợp đoàn kết tình huynh đệ trong các cộng đoàn tôn giáo.

6. Chúa Giêsu muốn cho mọi vinh dự và mọi lời chúc tụng quy về một mình Thiên Chúa cha bởi thế Người cảnh cáo các môn đệ đừng tìm kiếm tôn kính đặc ân và vị nể.

7. Qua dụ ngôn khách được mời dự tiệc 14,7-11 Chúa dạy chúng ta :

đừng so sánh mình với kẻ khác để coi mình hơn người, vì người khách tự tìm chỗ cao nhất là người coi mình hơn kẻ khác, đó là một sai lầm chủ nhà nói với người khách khiêm tốn “xin ông bạn ngồi lên trên”nghĩa là chỉ có Thiên Chúa mới đánh giá đúng về một con người. đúng như thánh phanxico nghèo khó nói: con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào, thì chỉ là thế ấy thôi không hơn!”

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.